Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Liên kết website
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập11
Tổng số lượt xem 4095638
Giới thiệu chung về ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La
Đăng lúc 2016-07-22 08:04:44

Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La

1. Giới thiệu chung

          Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La được thành lập theo Quyết định số 2204/QĐ-VKSTC ngày 12/12/1962 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ban đầu là Viện kiểm sát nhân dân khu tự trị Thái Mèo, sau đổi thành khu tự trị Tây Bắc. Chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát nói chung, Kiểm sát Sơn La nói riêng gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.  Để thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, ngày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân từ trung ương đến cấp huyện được thành lập theo hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 quy định: Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước. Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 1980 và 1992 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật; kiểm sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

2. Ngành kiểm sát tỉnh Sơn La qua các giai đoạn

          Từ năm 1962 đến năm 1975, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ngành kiểm sát tỉnh Sơn La tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng gây bạo loạn, hoạt động phỉ chống phá chính quyền, chia rẽ dân tộc sau giải phóng Tây Bắc và các loại tội phạm khác. Nhằm bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, các quyền tự do dân chủ của nhân dân, đoàn kết các dân tộc ở vùng Tây Bắc, chống mọi biểu hiện tiêu cực gây cản trở đến việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở miền núi. Viện kiểm sát nhân dân quán triệt quan điểm khẩn trương, linh hoạt, gọn nhẹ trong tổ chức và hoạt động, tập trung phục vụ các nhiệm vụ bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, vật tư quốc phòng, hàng hóa viện trợ, đấu tranh chống các hành vi trộm cắp, tham ô, phân phối, sử dụng sai chính sách, chế độ. Thời kỳ này Viện kiểm sát đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề nghiệp vụ, về đấu tranh chống từng loại tội phạm, tổng kết công tác kiểm sát phục vụ chính sách dân tộc của Đảng.

          Từ năm 1975 đến 1986, miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn còn phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La được sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chung của toàn ngành trong giai đoạn này là phục vụ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch. Chú trọng hướng công tác kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội như đẩy mạnh sản xuất lương thực, hàng tiêu dùng, thu mua sản phẩm, cải tiến phân phối lưu thông, bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế, trừng trị nghiêm khắc các đối tượng đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; tăng cường hoạt động kiểm sát các lĩnh vực điều tra tội phạm, bắt, giam, giữ, cải tạo. Tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của cán bộ và nhân dân trong các quan hệ lao động, dân sự, hành chính. Hàng năm Viện kiểm sát đã kháng nghị, kiến nghị yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng tỷ đồng, yêu cầu khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự, xử lý nghiêm minh người vi phạm nhằm khôi phục trật tự pháp luật trên các lĩnh vực được kiểm sát.

          Từ năm 1986 đến 2002, thực hiện nhiều chủ trương và biện pháp đổi mới, ngành Kiểm sát Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực góp phần vào việc đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

          Năm 2002, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Để thực hiện nội dung cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung, theo đó chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã có sự đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động chức năng, với nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

          Từ năm 2006 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 –NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị khóa X về "Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng"; Chỉ thị số 05-Ct/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo ‘tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, quán triệt và thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ, ma tuý và các tệ nạn xã hội. Toàn ngành đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện cả về nhận thức và chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt phương châm “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

3. Về tổ chức bộ máy

          Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành qua từng giai đoạn. Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La có 9 phòng nghiệp vụ và 12 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố, với tổng số cán bộ, công chức là 184 người.

          Hiện nay 89% cán bộ làm nghiệp vụ kiểm sát có trình độ cử nhân luật (trong đó 27 thạc sĩ luật); 43 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp  lý luận chính trị;

4. Về cơ sở vật chất

          Từ ngày thành lập 12/12/1962 đến nay, Viện kiểm sát tỉnh Sơn La có trụ sở đặt tại số 63 đường Tô Hiệu, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Trụ sở của nhiều Viện kiểm sát nhân dân các huyện cũng được đầu tư xây dựng, điều kiện làm việc hiện đại, cán bộ công chức được trang bị đủ máy tính phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ.

          Trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển, tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên, Nhân viên ngành Kiểm sát Sơn La đã đóng góp có hiệu quả vào công cuộc bảo vệ đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát. Từ năm 2010 đến nay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các đơn vị trực thuộc được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất cho 2 tập thể, Huân chương lao động hạng Nhì cho 03 tập thể và 01 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 02 tập thể và 04 cá nhân; nhiều tập thể được Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La, tặng thưởng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu, hàng trăm lượt cá nhân được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành; được tặng thưởng Kỷ chương bảo vệ pháp chế, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển Sơn La và Kỷ niệm chương của một số Bộ, ngành có liên quan. Xuyên suốt chặng đường phát triển, Ngành kiểm sát tỉnh Sơn La luôn thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”./.