Đang truy cập | 19 |
Tổng số lượt xem | 4172328 |
Giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những chức năng của VKSND. Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong thực tiễn; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới Luật tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới trong đó có nội dung về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tôi xin đề cập đến một số điểm mới cần lưu ý trong khâu công tác này được quy định tại các bộ luật trên nhằm giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên có thể nắm vững, thực hiện tốt công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bộ luật TTHS năm 2015 quy định có những điểm mới như:
Về khiếu nại: Mở rộng chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng: Ngoài chủ thể đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng thêm các chủ thể là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người chứng kiến; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. (Điều 57,58,67,70,83,84).
Bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Phó Viện trưởng VKS: Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS. Ngoại trừ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định của chính mình. (Điều 41)
Phân định phạm vi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự: Điều 469 quy định đối với khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì không giải quyết theo chương XXXIII của BLTTHS năm 2015. Trong những trường hợp này tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng đang thực hiện để xem xét trả lời và hướng dẫn người khiếu nại; việc trả lời và hướng dẫn chỉ thực hiện một lần (giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Quy định cụ thể hơn các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại: Điều 470 quy định các quyết định của Thủ trưởng, phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó viện trưởng VKS, KSV, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra; chủ thể của hành vi tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (có 3 chủ thể mới là: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên) .
Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam: Điều 474 BLTTHS năm 2015 quy định “Viện trưởng Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Ngoài việc các lệnh, quyết định trong tạm giữ, tạm giam có thể bị khiếu nại thì các hành vi thực hiện các lệnh, quyết định đó cũng có thể bị khiếu nại; đồng thời pháp luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại và thời hạn giải quyết của VKS tối đa là 3 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Điều 475 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của VKSND tối cao và VKSND cấp cao: Điểm a, b, khoản 3, Điều 476 BLTTHS quy định VKSND tối cao xem xét, giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố; kiểm sát điều tra, truy tố; VKSND cấp cao xem xét, giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Thời hạn giải quyết khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo: Khoản 3, Điều 482 BLTTHS năm 2015 quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Về tố cáo: Điều 478 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về chủ thể tố cáo được mở rộng, trước đây chỉ có “công dân” mới có quyền tố cáo, nay sửa đổi là "Cá nhân” có quyền tố cáo...”. Với quy định trên, kể cả người nước ngoài cũng có quyền tố cáo. Người tố cáo và người bị tố cáo có quyền được nhận quyết định giải quyết tố cáo theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 479; điểm c, khoản 1 điều 480. Điều 481 quy định: Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra có thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không quy định cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 ngoài những quy định mang tính chất kế thừa của Bộ luật TTDS năm 2004 và Luật TTHC năm 2010 cũng đã bổ sung những quy định mới về khiếu nại, tố cáo trong TTDS, TTHC:
Về khiếu nại: Điều 503 Bộ luật TTDS năm 2015 và Điều 331 Luật TTHC năm 2015 đã quy định rõ việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
Tăng thời hạn giải quyết khiếu nại đối với vụ việc có tính chất phức tạp: Điều 505 Bộ luật TTDS và Điều 333 Luật TTHC quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại; đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
Quy định mới về nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: Điều 506, 507 Bộ luật TTDS; Điều 334, 335 Luật TTHC đã quy định nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai và cũng như quy định người khiếu nại phải gửi kèm theo đơn khiếu nại những tài liệu gì. Đây là bước tiến trong việc quy định về khiếu nại, tố cáo trong TTDS, TTHC.
Về tố cáo: Điều 509 Bộ luật TTDS năm 2015 và Điều 337 Luật TTHC năm 2015 đã thay cụm từ “Công dân” bằng cụm từ “Cá nhân” có quyền tố cáo. Với quy định trên đã mở rộng quyền tự do, dân chủ cho tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài, người không có quốc tịch.
Bài: Trương Thị Nguyệt
Kiểm sát viên Phòng 12 VKSND tỉnh.