Đang truy cập | 9 |
Tổng số lượt xem | 3926896 |
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Do vậy, đơn vị đã luôn quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII và khóa XIV về công tác tư pháp, về đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm, chống oan, sai và phòng, chống tham nhũng. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã kịp thời quán triệt đến toàn bộ các cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị các quy định của Đảng, Nhà nước, Chỉ thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ý thức được tầm quan trọng, ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công tác này. Vì vậy, mỗi một cán bộ, Kiểm sát viên chính là những người chiến sỹ trong công cuộc đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Đòi hỏi mỗi một cán bộ, Kiểm sát viên phải tôi luyện cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng khí đấu tranh, trung chính, chí công, vô tư.
Lãnh đạo đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi họp giao ban cơ quan,đồng thời lồng ghép
sinh hoạt chính trị tại đơn vị
Công tác tuyên truyền được lãnh đạo đơn vị quan tâm chú trọng bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Triển khai các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, của tỉnh và của huyện; tổng hợp các vụ án về tham nhũng chức vụ để thảo luận và đúc rút kinh nghiệm.Bên cạnh đó, quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã đã chú trọng tổng hợp những nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, ngân hàng, quản lý tài nguyên, đất đai, tài sản công để ban hành kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Chú trọng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, áp dụng pháp luật để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, Viện kiểm sát huyện cũng đã chủ động đề ra các biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án bằng việc Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu các hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, sớm đề ra yêu cầu xác minh 100% tin báo, tố giác tội phạm; 100% yêu cầu điều tra các vụ án; chủ động trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, thận trọng trong nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, đề xuất, báo cáo lãnh đạo Viện hướng xử lý và ra các quyết định giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra, kịp thời bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo các đơn vị ký quy chế phối hợp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm
Trước tình hình tội phạm tham nhũng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhiều đại án tham nhũng liên quan đến hàng loạt cán bộ chủ chốt trong nhiều bộ, ngành của các cơ quan Nhà nước đã được phát hiện, khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử, gây dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của những cán bộ, công chức đã và đang công tác trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Để đạt được kết quả tốt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã sẽ tiếp tục: Tổ chức cho toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; rèn luyện theo 5 đức tính Bác Hồ dạy người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, các quy chế chi tiêu, nội bộ; quy tắc đạo đức …; Thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong báo cáo quá trình khởi tố điều tra truy tố xét xử hành vi tham nhũng. Viện kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng bằng việc cộng tác, đăng tải các tin, bài tuyên truyền lên trang điện tử ngành Kiểm sát Sơn La,… về nội dung vụ việc, tìm hiểu pháp luật, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, liên quan đến công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, chức vụ. Phòng chống tham nhũng có hiệu quá trước tiên “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”. Chính vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã đã tập trung vào công tác quản lý nội bộ trong đơn vị bao gồm nhiều nội dung khác nhau, như: siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, giữ gìn chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; tuyệt đối nghiêm cấm những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với bị can, bị cáo, đương sự, người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan. Đơn vị cũng minh bạch về tài sản, thu nhập được thực hiện trung thực và công khai. Các báo cáo về chi tiêu tài chính của đơn vị, kê khai tài sản của các cá nhân được dán công khai tại bảng tin của đơn vị. Việc chi trả lương, thưởng của đơn vị được chi trả vào tài khoản ngân hàng của các cán bộ công chức...
Tổ chức các phiên tòa tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tại trường học
Trong những năm gần đây công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn huyện Sông Mã có bước chuyển biến tích cực, rõ ràng cả về phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm tham nhũng, được dư luận quan tâm, hưởng ứng, tạo những hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần củng cố, gia tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đặc biệt nêu bật được vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân huyện Sông Mã trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
Tác giả: Trần Thanh Quân
Viện KSND huyện Sông Mã