Đang truy cập | 15 |
Tổng số lượt xem | 4095564 |
Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đào tạo lý luận chính trị là nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát Sơn la trong nhiều năm qua, đã được thể hiện trong các Nghị quyết của Ban cán sự đảng và chương trình, kế hoạch công tác của ngành Kiểm sát Sơn La.
Hiện nay ngành Kiểm sát Sơn La 100% công chức trình độ cử nhân, trong đó 36 đồng chí có trình độ thạc sỹ 33 thạc sỹ luật và 03 thạc sỹ chuyên ngành khác. Hàng năm ngành kiểm sát Sơn La cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp học, lớp tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nhiều đồng chí được cử đi học trung, cao cấp về lý luận chính trị. Việc đẩy mạnh học tập đã tạo luồng sinh khí mới trong phong trào học tập, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát Sơn La.
Bên cạnh các hình thức đào tạo dài hạn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu, Viện kiểm sát tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo tại chỗ, bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các cuộc thi chúng tôi là Kiểm sát viên, cuộc thi viết Cáo trạng với gần 100 công chức dự thi, cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, và thi nghiệp vụ hình sự do các đơn vị cấp huyện phối hợp tổ chức. Các cuộc thi đã tiếp thêm những hiệu ứng tích cực, lan tỏa tinh thần học tập, phấn đấu, thi đua trong Ngành.
VKSND tỉnh Sơn La đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trong đó chú trọng công tác đào tạo chuyên môn qua thực tiễn.
Trong phạm vi bài viết nay tôi muốn bàn thêm về công tác đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên (KSV) ở cấp huyện trong lĩnh vực hình sự.
Đào tạo tại chỗ hiện nay, các đơn vị trong ngành Kiểm sát đã và đang thực hiện, có thể mỗi đơn vị có cách làm riêng nhằm đào tạo các kiểm sát viên, kiểm tra viên giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, bản lĩnh hơn trong thực thi nhiệm vụ. Yêu cầu của cải cách tư pháp và của xã hội ngày càng cao do vậy những công chức thực thi pháp luật càng phải không ngừng nâng cao tri thức, trình độ hiểu biết pháp luật, các kỹ năng, kinh nghiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Công tác đào tạo tại chỗ có thể là tổ chức các cuộc thi về chuyên môn nghiệp vụ hoặc chỉ dẫn thông qua công việc chuyên môn thực tiễn cho các KSV, kiểm tra viên ở mỗi đơn vị. Lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch, phân công những đồng chí KSV có nhiều kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn tốt hướng dẫn cho những công chức còn có những hạn chế, hạn chế một phần nào đó về chuyên môn về kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hiện nghiệp vụ chuyên môn. Trong hình thức đào tạo tại chỗ cũng cần phải chú trọng tới việc tự học, hỏi, hoàn thiện hơn của mỗi cán bộ công chức trong Ngành. Phương pháp đào tạo tại chỗ cho các KSV khá hiệu quả do vậy ngành kiểm sát đã và đang thực hiện tốt công tác này ở các đơn vị VKS hai cấp. Đào tạo tại chỗ qua thực tiễn, hiệu quả của mỗi đơn vị có thể sẽ khác nhau bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Số lượng vụ, việc, loại vụ, việc xảy ra mà đơn vị thụ lý, phương pháp của người chỉ dẫn, khả năng tiếp thu của người được chỉ dẫn và tinh thần cầu thị tự học hỏi của mỗi Kiểm sát viên và các điều kiện khác.Việc học ở trường, lớp là nền tảng nhưng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong thực tiễn là điều phải hoàn thiện đối với mỗi công chức và phải luôn được bổ sung, tổng hợp, đúc kết để hoàn chỉnh trong công tác đào tạo cả về lý thuyết và trong thực tiễn.
Để giải quyết tốt một vụ án hình sự, các KSV thông qua việc được lãnh đạo giao việc trong thực tế tại đơn vị, tiếp thu sự truyền đạt của người được giao hướng dẫn giúp đỡ mình, KSV phải không ngừng học hỏi bổ sung kiến thức, những kinh nghiệm, kỹ năng để vận dụng những kiến thức pháp luật đã được đào tạo vào trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự được phân công thụ lý.
Ngoài việc thuần thục các thao tác các văn bản trong tố tụng hình sự và của Ngành quy định, KSV cần trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, trước hết lãnh đạo đơn vị yêu cầu các KSV nghiên cứu kỹ các Thông tư liên ngành, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao đang còn hiệu lực pháp luật để vận dụng, xây dựng sổ tay tổng hợp những thiếu sót, vi phạm trong lĩnh vực hình sự thông qua thực tiễn giải quyết án ở đơn vị, hoặc ở đơn vị khác. Chủ động, thường xuyên nghiên cứu sâu các thông báo rút kinh nghiệm của cấp trên, các kết luận về nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án tối cao. Lãnh đạo đơn vị cần quán triệt đầy đủ kịp thời cho các KSV, kiểm tra viên và yêu cầu nghiên cứu sâu và lưu trữ các thông báo rút kinh nghiệm này, khi cần thiết nghiên cứu vận dụng. Tìm những bản án đã có hiệu lực pháp luật có tính chất tương đồng để nghiên cứu vận dụng, chủ động, tích cực nghiên cứu án lệ, các bài viết trên tạp chí kiểm sát, tạp chí Tòa án , tạp chí pháp luật… để học hỏi thêm. Sưu tầm và tích lũy những số tạp chí có đăng bài trao đổi, giải đáp nghiệp vụ, các văn bản trả lời thỉnh thị của cấp trên về các vụ án hình sự sẽ rất hữu ích cho các kiểm sát viên. Khi cần thiết lãnh đạo đơn vị họp tập thể lãnh đạo, KSV, kiểm tra viên để bàn, trao đổi, thảo luận những vướng mắc, những vấn đề khó, phức tạp, hoặc mới nảy sinh trong các vụ án hình sự, dân sự ở đơn vị để huy động trí tuệ tập thể, rèn, tăng khả năng tư duy, tranh luận, để các KSV mới được bổ nhiệm tập làm quen với những việc khó, phức tạp trong thực tiễn đã và đang xảy ra. Lãnh đạo đơn vị nên yêu cầu các KSV chủ động phối hợp với điều tra viên, Thẩm phán trong giải quyết án nhằm tăng tính tự chủ, độc lập của KSV. Đánh giá chất lượng hồ sơ khi bị trả điều tra bổ sung, nhất là có lỗi chủ quan của KSV, cần rút kinh nghiệm chung trong đơn vị. Lãnh đạo đơn vị nên giao việc đa dạng cho mỗi KSV, từ đơn giản đến phức tạp để họ làm quen với nhiều dạng án, tăng khả năng nhận diện, từ đó học hỏi trong từng loại án, bởi mỗi loại án có những tính chất khó, phức tạp riêng biệt. Nên để KSV chủ động trong công việc và báo cáo án, chủ động đề xuất hướng giải quyết, người hướng dẫn giúp đỡ KSV kiểm tra trình độ, năng lực, kỹ năng của họ trước sau đó mới chỉ ra những sai sót, hạn chế trong công việc được giao để họ tự phải nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn vì KSV đã được đào tạo cơ bản về luật. Một số vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, lãnh đạo đơn vị, Kiểm sát viên được phân công thụ lý cũng nên quan tâm các thông tin của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, tuy nhiên tìm đúng bản chất vụ việc là điều phải làm, không nên bị cuốn theo dư luận và truyền thông để giải quyết vụ án dễ dẫn đến sai sót hoặc không khách quan.
Trong đào tạo qua thực tiễn cần trang bị cho KSV kỹ năng phản biện trong mỗi vụ án, buộc tội vững chắc thì kỹ năng phản biện, phản biện gỡ tội cũng phải sắc bén, phản biện để tìm những sơ hở thiếu sót, vi phạm, những chứng cứ có giá trị gỡ tội thậm chí chứng minh vô tội trong hồ sơ để củng cố đảm bảo cho việc truy tố vững chắc, đặc biệt những vấn đề có liên quan ẩn sau chứng cứ tài liệu đã thu thập mà chưa dễ nhận diện như: những văn bản, tài liệu, đồ vật…những tình tiết có liên quan mà phải suy luận logic, phân tích, phản biện… mới thấy do vậy KSV cần nghiên cứu, tư duy sâu để suy luận sau đó tổng hợp, thu thập bổ sung và chuẩn bị trước, đây cũng có thể là những vấn đề luật sư, bị can, bị cáo tìm, khai thác và sử dụng bào chữa gỡ tội hoặc chứng minh vô tội.
Đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng phúc cung cho các KSV. Khi các bị can nhận tội, thường điều tra viên, KSV dễ có tâm lý thỏa mãn với hồ sơ, tuy nhiên nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lường trước việc bị can phản cung, kêu oan hoặc mời luật sư bào chữa thì KSV dễ bị động, lúng túng, thậm chí có tâm lý e ngại khi tham gia phiên tòa.
Khi hồ sơ kết thúc điều tra người hướng dẫn yêu cầu KSV đánh giá tổng hợp hồ sơ đầy đủ, chặt chẽ đảm bảo cho quyết định truy tố có đúng người, đúng tội. Khi THQCT, KSXX tại phiên tòa cần nắm chắc các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, chuẩn bị đề cương xét hỏi, đề cương tranh tụng cũng như dự kiến các tình huống có thể phát sinh trong phiên tòa, những mâu thuẫn trong hồ sơ tài liệu cần phải lý giải được một cách khoa học, hợp lý theo diễn biến vụ án và có sức thuyết phục. Việc yêu cầu các KSV khi đã chuẩn bị tốt những vấn đề trên thì sẽ tạo sự tự tin, bản lĩnh cho KSV khi THQCT, KSXX tại phiên tòa.
Để giải quyết tốt mỗi vụ án hình sự đòi hỏi mỗi KSV ngoài việc được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn ở trường, lớp cần phải lỗ lực phấn đấu, học tập nhiều hơn nữa bằng nhiều hình thức và rèn luyện trong công tác thực tiễn bởi điều ta biết chỉ là giọt nước, điều không biết là đại dương, càng học càng thấy mình cần phải học tập nhiều hơn nữa nhất là các công chức trẻ. Công tác đào tạo tại chỗ, mỗi đơn vị, cá nhân cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo tìm ra nhiều phương pháp hay, hiệu quả từ đó trao đổi, nhân rộng ra để xây dựng đội ngũ công chức trong ngành Kiểm sát Sơn La ngày càng vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Tác giả: Nguyễn Thanh Hải
Phòng 15 VKSND tỉnh Sơn La