Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Liên kết website
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập12
Tổng số lượt xem 4095551
Linh hoạt trong vận dụng, chủ động trong nghiên cứu và phối hợp giải quyết kháng cáo đối với quyết định của Tòa án sơ thẩm
Đăng lúc 03-10-2023 07:27:05

Khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định: “Trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo…”, đây là nội dung mới so với chế định án treo quy định tại Điều 60 của BLHS năm 1999. Theo đó, người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo có nghĩa vụ chấp hành các quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự, nếu vi phạm nghĩa vụ tối thiểu là 02 lần thì hậu quả pháp lý mà họ có thể phải chịu là bị Tòa án ra quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù, không được hưởng án treo nữa.


Trong quá trình thực hiện BLHS thời gian qua tỉnh Sơn La có 01 trường hợp Vì Văn T bị Tòa án huyện S ra quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Sau khi Tòa án ban hành quyết định này thì T kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án tỉnh Sơn La hủy Quyết định buộc T phải chấp hành án phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của Tòa án nhân dân huyện S.

Ngày 16 tháng 8 năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Sơn La nhận được hồ sơ kháng cáo. Qua nghiên cứu hồ sơ xác định còn có một số khó khăn, bất cập trong áp dụng pháp luật. Do đó, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan (Phòng 7, 8- VKSND tỉnh) nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, các quy định của pháp luật và báo cáo, đề xuất các đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách hướng giải quyết đảm bảo quy định của pháp luật. Sau khi nghiên cứu hồ sơ kháng cáo, các quy định của BLTHS, Luật Thi hành án hình sự, các Nghị quyết có liên quan của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy chế nghiệp vụ Kiểm sát viên đã báo cáo Lãnh đạo viện, chỉ ra những khó khăn, bất cập như:

Thứ nhất, chưa có quy định của pháp luật về thẩm quyền của cấp phúc thẩm đối với kháng cáo đề nghị hủy Quyết định buộc người đang chấp hành án treo phải chấp hành án phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo

Từ khi BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 20218 hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo. Tại Điều 11 của Nghị quyết số 02 nêu trên quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo đối với cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, trong đó phần hướng dẫn đối với cấp sơ thẩm chi tiết và rõ ràng. Tuy nhiên, đối với cấp phúc thẩm tại khoản 7 của Điều luật quy định: “Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Việc phúc thẩm quyết định giải quyết đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo được thực hiện theo thủ tục phúc thẩm quyết định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Nghiên cứu các quy định tại Chương XXII xét xử phúc thẩm của BLTTHS hiện hành, nhận thấy Điều 330 quy định về tính chất của xét xử phúc thẩm: “1. Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. 2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”.

Xem xét khoản 2 của Điều luật này, xác định có 2 vế: Vế thứ nhất chỉ quy định 4 loại quyết định có thể bị kháng cáo, kháng nghị (quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo), mà không đề cập đến quyết định buộc người đang hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù. Vế thứ 2 của điều luật quy định “quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên việc xác định “các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm” là những quyết định nào thì BLTTHS hoặc văn bản hướng dẫn có liên quan chưa quy định một cách hệ thống.

Thứ hai, về xác định thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh Sơn La

Căn cứ vào BLTTHS, Nghị quyết số 02 nêu trên, đã xác định rõ thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định buộc chấp hành án phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo là của Tòa án phúc thẩm cấp tỉnh và VKSND cấp tỉnh. Tuy nhiên trách nhiệm cụ thể là của đơn vị trực thuộc nào của VKSND tỉnh còn có quan điểm chưa thống nhất.

Theo quy tại Điều 4 Quy chế Thực hành quyền công tố & kiểm sát xét xử vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng VKSND Tối cao) quy định về phạm vi công tác: “Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự bắt đầu từ khi Viện kiểm sát chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án đến Tòa án để xét xử và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc không bị yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy chế công tác Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Viện trưởng VKSND Tối cao) quy định phạm vi công tác: “Công tác kiểm sát thi hành án hình sự bắt đầu từ khi bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự và kết thúc khi chấm dứt việc thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật”; Khoản 2 Điều 30 quy định “Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kiểm sát việc buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách của án treo; việc giảm thời hạn và miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Tòa án theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, hai Quy chế nêu trên đều không quy định cụ thể về thẩm quyền, cũng như trình tự kiểm sát việc giải quyết theo trình tự phúc thẩm đối với quyết định giải quyết đề nghị buộc người chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, dẫn đến quá trình thụ lý giải quyết kháng cáo tại VKSND tỉnh Sơn La đã có hai luồng ý kiến:

Ý kiến thứ nhất cho rằng thẩm quyền kiểm sát giải quyết phúc thẩm đối với quyết định buộc người chấp hành phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo là của Phòng thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7), bởi lẽ đây là quyết định của Tòa án sơ thẩm bị kháng cáo và được Nghị quyết số 02 hướng dẫn trình tự giải quyết được thực hiện theo thủ tục phúc thẩm quyết định theo quy định của BLTTHS.

Ý kiến thứ hai cho rằng thẩm quyền kiểm sát giải quyết thuộc Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án (Phòng 8) bởi vì quyết định này được ban hành vào thời điểm Bản án, quyết định thi hành án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định này ở giai đoạn thi hành án, không nằm trong phạm vi công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.

Qua nghiên cứu Nghị quyết số 02 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2018 và hướng dẫn buộc người đang hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù là điểm mới, trong khi đó BLTTHS hiện hành có hiệu lực từ trước đó (01/7/2016), cho nên BLTTHS chưa đưa vào; các quy chế nghiệp vụ của Ngành cũng đều có hiệu lực trước đó. Nếu thỉnh thị lên cấp trên thì có thể không đáp ứng được yêu cầu về thời hạn giải quyết, cho nên bên cạnh việc vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật và quy chế hiện hành.

Trước những khó khăn, bất cập trên lãnh đạo Viện đã duyệt kế hoạch xác minh với nội dung sát, lộ trình cụ thể. Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành các biện pháp xác minh. Qua đó đã phát hiện vi phạm của UBND xã và cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện S lập hồ sơ đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, quyết định buộc T phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo: việc lập biên bản vi phạm nghĩa vụ chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư 84/2019 của Bộ Công an: chưa đảm bảo vể thời gian, địa điểm, thành phần tham gia; không có chứng cứ chứng minh: (1) Ủy ban nhân xã đã giao cho T hoặc người thân thích, chính quyền tổ, bản thông báo triệu tập, thông báo nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt vi phạm; (2) Ủy ban nhân dân xã đã thực hiện việc giải thích cho T về nghĩa vụ  được quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự. Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, lãnh đạo Viện đã phê duyệt quan điểm giải quyết của Kiểm sát viên.

Ngày 23 tháng 8 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã mở phiên họp xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm đối với kháng cáo của Vì Văn T. Tại phiên họp, đại diện Viện kiểm sát đã phát biểu quan điểm: nhận định, đánh giá toàn diện, khách quan về trình tự thủ tục phiên họp, các vi phạm của cấp sơ thẩm về thủ tục trình tự lập hồ sơ đề nghị, trên cơ sở đó đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La chấp nhận kháng cáo của T, hủy quyết định buộc T phải đi chấp hành án phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cấp sơ thẩm và được Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La chấp nhận.

Do có sự chủ động, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Viện, sự nêu cao tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong quá trình giải quyết kháng cáo. Phát huy vai trò của VKSND, góp phần đảm bảo Quyết định phúc thẩm ban hành có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người đang chấp hành án treo. Khi người dân “tâm phục, khẩu phục” với quyết định của Tòa án, niềm tin, chỉ số hài lòng về cơ quan thực thi pháp luật nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng tăng lên. Kết quả đó là bài học kinh nghiệm cho VKSND hai cấp trong việc kiểm sát hồ sơ và hoạt động của Tòa án hai cấp khi giải quyết đối với các trường hợp kháng cáo quyết định của Tòa án buộc người chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Thông qua vụ việc này, VKSND tỉnh Sơn La đã nhận diện chính xác những khó khăn, bất cập, tổng hợp để báo cáo VKSND tối cao xem xét giải quyết./.

Tác giả: Hoàng Thị Xuân - Phó Viện trưởng, Viện KSND tỉnh Sơn La

              Hoàng Mạnh Dũng - Kiểm sát viên, Viện KSND tỉnh Sơn La

Các bài mới đăng