Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Liên kết website
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập17
Tổng số lượt xem 4095632
Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự
Đăng lúc 30-10-2023 07:26:50

Kiến nghị, kháng nghị là quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp, yêu cầu cơ quan vi phạm khắc phục bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận.


Công tác kiểm sát thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát nhân dân nhằm đảm bảo các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Để đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh thì việc thực hiện tốt công tác kiến nghị, kháng nghị đối với các bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi hành án dân sự là một trong những biện pháp cơ bản để kịp thời khắc phục những thiếu sót vi phạm, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Những năm gần đây, công tác kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự đã được Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chú trọng. Qua công tác kiểm sát, viện kiểm sát đã kịp thời phát hiện vi phạm của Cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, các cơ quan có liên quan như Tòa án, Công an, chính quyền địa phương, cơ quan địa chính... Các dạng vi phạm thường gặp như: Toà án chậm chuyển giao Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án, chậm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại việc chưa đúng, việc xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án khi chưa đủ điều kiện, việc áp dụng pháp luật giữa luật cũ và luật mới còn chưa chính xác, lập hồ sơ chưa đúng theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao …

Các kiến nghị, kháng nghị kịp thời đã góp phần có hiệu quả nhằm làm cho Bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế công tác kiến nghị, kháng nghị trong thi hành án dân sự hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa phát huy được hết hiệu quả của việc kiến nghị, kháng nghị, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cụ thể như:

Kiến nghị, kháng nghị ban hành không đúng theo mẫu. Nội dung kháng nghị, kiến nghị còn nêu dài dòng, không đúng trọng tâm. Một số đơn vị mặc dù có nhiều kiến nghị, kháng nghị nhưng việc theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị, kháng nghị của các đơn vị chưa được quan tâm, chú trọng. 

Các kiến nghị, kháng nghị chủ yếu tập trung ở Cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp mà chưa chú trọng đến các cơ quan có liên quan đến công tác thi hành án dân sự như cơ quan Công an trong việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế; chính quyền địa phương trong phối hợp xác minh, cưỡng chế tài sản; Tòa án trong việc chuyển giao bản án, quyết định, bản án tuyên không rõ, khó thi hành, không chuyển giao vật chứng, tiền tạm thu sang cơ quan thi hành án dân sự để thi hành; kiến nghị Ban chỉ đạo thi hành án dân sự trong việc tổ chức họp Ban chỉ đạo giải quyết một số vụ phức tạp, nhạy cảm, khó thi hành; các cơ quan Ngân hàng, Kho bạc, Bảo hiểm, Thuế, Nhà đất, Ban quản lý công trình… không cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án dân sự, không khấu trừ tài khoản…

Chưa xác định đúng vi phạm, thiếu sót dẫn tới kiến nghị, kháng nghị không được chấp nhận hoặc chỉ được chấp nhận một phần.

Một số trường hợp Viện kiểm sát phát hiện vi phạm nhưng chưa kịp thời ban hành kháng nghị do để quá thời hạn nên chỉ có thể ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Từ thực tế nêu trên, để nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và công tác kiến nghị, kháng nghị nói riêng, phòng 8 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đưa ra một số giải pháp sau:

Một là: Trước khi thực hiện việc kiến nghị, kháng nghị cần cân nhắc, thảo luận thật kỹ, nhất là việc kháng nghị phải bàn bạc trong tập thể lãnh đạo đơn vị xét thấy cần thiết thì phải xin ý kiến nghiệp vụ cấp trên. Bảo đảm kiến nghị, kháng nghị phải chính xác đúng quy định của pháp luật.

Hai là: Việc kiến nghị không chỉ tập trung vào mỗi cơ quan thi hành án dân sự mà phải xem xét kiến nghị đối với cả những vi phạm của các cơ quan liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

Ba là: Khi đã ban hành kiến nghị, kháng nghị cần theo dõi, yêu cầu phúc đáp, định kỳ tiến hành phúc tra việc thực hỉện kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.

Bốn là: Để các bản kiến nghị, kháng nghị phát huy được hiệu lực, hiệu quả cần thực hiện đúng thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 2 Điều 160 Luật thi hành án dân sự. Nội dung các bản kiến nghị, kháng nghị tập trung chủ yếu vào các dạng vi phạm mới, hạn chế lặp lại các nội dung của các bản kiến nghị, kháng nghị trước. Những vi phạm có tính chất nhỏ lẻ, lặp đi lặp lại cần tổng hợp để ban hành kiến nghị chung.

Năm là: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La tăng cường công tác kiểm tra, trả lời thỉnh thị, ban hành thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện về phương pháp kiếm tra, phát hiện vi phạm để thực hiện công tác kiến nghị, kháng nghị kịp thời.

Sáu là: Đối với công chức, Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự cần nắm vững các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc kiến nghị, kháng nghị. Vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật khi kiểm sát định kỳ hoặc đột xuất tại cơ quan thi hành án dân sự. Thường xuyên cập nhật các văn bản có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Chủ động nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát chặt chẽ việc chuyển giao bản án, quyết định của Toà án và các quyết định về thi hành án dân sự đảm bảo đúng nội dung và thời gian quy định. Kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án ngay từ đầu bằng việc so sánh nội dung bản án, quyết định của Toà án với nội dung quyết định thi hành án bởi đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm kịp thời phat hiện vi phạm. Nắm chắc các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình kiểm sát, đối chiếu quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành …để xác định chính xác vi phạm, từ đó áp dụng đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phức tạp và có nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan ban ngành liên quan, cần kịp thời báo cáo cho Lãnh đạo đơn vị trước khi ban hành kiến nghị, kháng nghị. Mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm và thường xuyên cập nhật, phản ánh đầy đủ, chính xác vi phạm đã phát hiện.

Thông qua công tác kiến nghị, kháng nghị nhằm giúp cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đến công tác thi hành án dân sự sửa chữa, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đồng thời thúc đẩy tiến độ giải quyết việc thi hành án dân sự, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để, chính xác, đầy đủ, đúng quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Từ đó đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước cũng như của công dân, tăng thêm niềm tin của người dân vào pháp luật góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của Ngành kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp.  

Với những giải pháp đưa ra, hy vọng sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc bất cập tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự hiện nay./.

Bài: Nguyễn Thu Hà

Phòng 8 VKSND tỉnh Sơn La

Các bài mới đăng