Đang truy cập | 15 |
Tổng số lượt xem | 4095664 |
Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; thực hiện hiệu quả Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao (viết tắt là Hướng dẫn 27) về phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự; Quy chế 505 ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; Quy chế 259 ngày 20/7/2023 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Viện KSND hai cấp tỉnh Sơn La đã tăng cường kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự cho Viện kiểm sát, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Năm 2023, Viện KSND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tòa án cùng cấp ký quy chế số 33/QCPH-VKS-TA ngày 12/01/2023 về việc giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự đồng thời chỉ đạo Viện KSND cấp huyện phối hợp với Tòa án cùng cấp ký quy chế về công tác này. Thông qua hoạt động kiểm sát, VKSND hai cấp đã kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật của Tòa án và các cơ quan hữu quan trong việc giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu chấm dứt, khắc phục, sửa chữa vi phạm. Qua sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Hướng dẫn số 27, công tác phối hợp giữa các bộ phận trong đơn vị; giữa VKS, Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự đã được nâng cao và dần đi vào nề nếp. Tại Viện KSND cấp tỉnh đã phối hợp với phòng nghiệp vụ để tổng hợp lịch xét xử hàng tháng, lập sổ tiếp nhận bản án, đối chiếu với các vụ án TAND cấp tỉnh đã xét xử để lập danh sách bản án, quyết định đã nhận; sau khi khi tiếp nhận bản án chưa có hiệu lực pháp luật, đơn vị kiểm sát xét xử đã sao gửi ngay 01 bản đến đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự để phối hợp kiểm sát. Tại một số Viện KSND cấp huyện, kiểm sát viên kiểm sát xét xử hình sự và kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự cũng có sự phối hợp chặt chẽ; kiểm sát viên sau khi kiểm sát xét xử hình sự đã sao gửi đầy đủ các bản án, quyết định cho Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án hình sự để mở sổ theo dõi, quản lý việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; đồng thời bộ phận thi hành án cũng phối hợp với các bộ phận khác như: Kiểm sát hình sự, thống kê…để lập danh sách các trường hợp Tòa án đã xét xử trong tháng, đối chiếu và xác định số lượng bản án, quyết định đã tiếp nhận và số lượng bản án, quyết định còn thiếu, chưa tiếp nhận để chủ động yêu cầu Tòa án thực hiện việc giao, gửi bản án; kiến nghị Tòa án ra quyết định thi hành án, ủy thác thi hành án đúng thời hạn. Hầu hết các đơn vị đã mở sổ theo dõi, quản lý đầy đủ việc tiếp nhận các bản án, quyết định do Tòa án chuyển đến để kiểm sát việc giao, gửi bản án, quyết định, việc ra quyết định thi hành án hình sự, ủy thác thi hành án hình sự bảo đảm đúng thời hạn.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, công tác kiểm sát việc giao, gửi bản án, quyết định, ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án, gửi quyết định thi hành án vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:
Một số VKSND cấp huyện chưa kịp thời phát hiện vi phạm thủ tục tố tụng hình sự; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận kiểm sát xét xử vụ án hình sự và kiểm sát thi hành án hình sự cấp huyện trong việc kiểm sát giao bản án, ra quyết định thi hành án phạt tù nên chưa nhận diện được vi phạm khi tiến hành kiểm sát Bản án, quyết định thi hành án; chưa phát hiện vi phạm để có biện pháp tác động kịp thời.
Một số trường hợp Tòa án chậm gửi quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự và người bị kết án đang tại ngoại, nhưng VKS không phát hiện được vi phạm.
Ngoài ra, tại một số đơn vị, công tác phối hợp giữa đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự chưa thực sự chặt chẽ. Đơn vị kiểm sát xét xử chưa sao gửi bản án, quyết định cho đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định tại mục 1 Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC; chưa thông báo ngay cho đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự về các trường hợp Hội đồng xét xử trả tự do ngay tại phiên tòa theo quy định tại mục 1 Hướng dẫn số 27/VKSTC.
Việc xây dựng quy chế phối hợp về việc giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự: Hiện nay, mới có 5/12 VKS huyện, thành phố xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp. Việc tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn số 27 còn một số hạn chế: Một số đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự chưa mở sổ theo dõi, quản lý đầy đủ việc tiếp nhận bản án, quyết định do các đơn vị chuyển đến; Định kỳ hằng tháng, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự chưa phối hợp với đơn vị kiểm sát xét xử rà soát hệ thống sổ theo dõi kết quả kiểm sát xét xử hình sự, lập danh sách các trường hợp Tòa án cùng cấp đã xét xử trong tháng, đối chiếu, xác định số lượng bản án, quyết định đã tiếp nhận; số lượng bản án, quyết định còn thiếu chưa tiếp nhận và ban hành thông báo những vụ án đã xét xử chưa nhận được bản án, quyết định. Ngoài ra, ở một số đơn vị còn tình trạng Tòa án vi phạm trong việc gửi bản án, quyết định, chậm ra hoặc chậm gửi quyết định thi hành án treo, cải tạo không giam giữ nhưng không được phát hiện kịp thời. Qua theo dõi thì các đơn vị để xảy ra vi phạm này hầu hết chưa ký Quy chế phối hợp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của đội ngũ Kiểm sát viên, công chức trong thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự, có nơi còn xem nhẹ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm sát xét xử hình sự và kiểm sát thi hành án hình sự ở Viện KSND cấp huyện.
Để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất và bảo đảm mọi bản án hình sự có hiệu lực đều phải được thi hành trong thực tế, Phòng 8 Viện KSND tỉnh đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án theo quy định của pháp luật như sau:
Một là, Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm của VKSND trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự; Quy chế 505 ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; Quy chế 259 ngày 20/7/2023 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Nghiên cứu kỹ, nắm chắc các quy định của pháp luật, vận dụng đầy đủ trong thực thi nhiệm vụ.
Hai là, Đổi mới phương pháp phối hợp trong kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự để công tác này đi vào thực chất, khắc phục tình trạng rà soát mang tính hình thức, không hiệu quả.
Ba là, Chú trọng tổng hợp ban hành Thông báo rút kinh nghiệm đối với VKSND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện Hướng dẫn số 27, nhất là các đơn vị chưa thực hiện việc ký Quy chế phối hợp về nội dung này, yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện ngay trong quý I năm 2024. Chỉ đạo Viện KSND cấp huyện tiếp tục xây dựng mới hoặc sửa đổi Quy chế phối hợp về lĩnh vực công tác thi hành án hình sự.
Bốn là, Quan tâm, bố trí đủ số lượng công chức có đủ năng lực, trình độ, chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Ưu tiên đào tạo, phát triển công chức có kinh nghiệm thực tiễn sâu về công tác kiểm sát hoạt động tư pháp.
Năm là, Chủ động phối hợp, rà soát, đối chiếu số liệu về việc ra, gửi bản án và các quyết định thi hành án hình sự. Phát hiện vi phạm của Tòa án và các cơ quan có liên quan thực hiện ngay quyền kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, sửa chữa và phòng ngừa vi phạm.
Sáu là, Tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác kiểm sát thi hành án hình sự trong đó đi sâu hướng dẫn kiểm sát việc Tòa án giao, gửi Bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định; gửi quyết định thi hành án hình sự. Chú trọng kiểm sát việc thi hành quyết định bắt buộc chữa bệnh, kiểm sát hoãn chấp hành án phạt tù.
Bảy là, Chủ động phòng ngừa cán bộ, công chức, Kiểm sát viên vi phạm kỷ luật nghiệp vụ; tập thể đơn vị thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để xảy ra sai phạm, nhất là trường hợp, đơn vị làm bỏ lọt tội phạm, bỏ quên việc thi hành án dẫn đến người bị kết án hưởng thời hiệu chấp hành án.
Tóm lại, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 của VKSND tối cao về phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án đã kịp thời khắc phục được các vi phạm của cơ quan Tòa án trong việc giao, gửi bản án, ra quyết định thi hành án và các quyết định khác về thi hành án hình sự; đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu công tác kiểm sát, trong đó có sự phối hợp đối chiếu, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự và kiểm sát thi hành án hình sự, từng bước nâng tầm vai trò, vị thế của VKSND trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát chặt chẽ việc ra bản án và các quyết định thi hành án của Tòa án, bảo đảm mọi bản án phải được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật./.
Bài: Nguyễn Hồng Thúy
Phòng 8 VKSND tỉnh Sơn La