Đang truy cập | 14 |
Tổng số lượt xem | 4095654 |
Xác minh, thu thập chứng cứ là một giai đoạn vô cùng quan trọng của quá trình giải quyết các vụ án dân sự, góp phần quyết định việc chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định: Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp cụ thể như: lấy lời khai của đương sự, xem xét, thẩm định tại chỗ… để thu thập tài liệu, chứng cứ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLTTDS, khoản 1 Điều 25 Luật TTHC thì Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Theo đó, kiểm sát hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ là một trong những nội dung hoạt động của VKS khi thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự. VKS có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án.
Điều này cũng được khẳng định tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC; Điều 22 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 (gọi tắt là TTLT số 02/2016; TTLT số 03/2016) của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân (TAND) tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành quy định của BLTTDS.
Có thể nói, chứng cứ là công cụ để các đương sự chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng, có căn cứ và hợp pháp. Từ những chứng cứ đã xác định được, Tòa án sẽ căn cứ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập cụ thể của đương sự và quy định của pháp luật để đưa ra phán quyết phù hợp, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vụ kiện. Vì vậy, hoạt động kiểm sát việc xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng giúp vụ án được giải quyết chính xác, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Trong thời gian qua, đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, về cơ bản VKSND hai cấp tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt quyền yêu cầu được quy định trong BLTTDS, LTTHC và các Thông tư số 02/2016; Thông tư số 03/2016; Quy chế nghiệp vụ của ngành như: Quy chế ban hành kem theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017... Quyền yêu cầu được thực hiện dưới hai hình thức ban hành văn bản và lời nói. Đa số văn bản yêu cầu được VKSND hai cấp ban hành đều có căn cứ, bảo đảm về nội dung và hình thức, được Tòa án chấp nhận và thực hiện. Qua đó, đã bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao vị thế, uy tín của Viện kiểm sát trong đó có Kiểm sát viên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như:
Thứ nhất, còn một số vụ án bị sửa, hủy trong quá trình kiểm sát việc thụ lý và giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cấp sơ thẩm không ban hành công văn yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.
Trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến năm 2022): tổng số vụ án dân sự được thụ lý và giải quyết: 2.240 vụ án dân sự, 8.329 vụ án hôn nhân và gia đình; 15 vụ án hành chính; 45 kinh doanh thương mại. Kết quả giải quyết: Sửa và hủy: 61 bản án, trong đó 57 bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa, lý do: việc thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ (cấp phúc thẩm đã khắc phục được); 04 bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, lý do: việc thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. 61/61 vụ án KSV không thực hiện quyền yêu cầu Tòa án cùng cấp xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ như:
Trong quá trình giải quyết một số vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, Tòa án cùng cấp có thiếu sót, vi phạm trong hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ như: chưa xác định hiện trạng sử dụng đất do ai quản lý; vị trí, kích thước, hình dạng thửa đất tranh chấp; tình trạng thửa đất; đo vẽ chưa đúng hiện trạng. Trong quá trình kiểm sát, KSV không phát hiện được thiếu sót, vi phạm để ban hành văn bản yêu cầu Tòa án khắc phục. Bản án được ban hành không có căn cứ, có kháng cáo dẫn tới việc phải mở ra một giai đoạn tố tụng tiếp theo và tại cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Sơn La phải tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ. Hệ quả: phát sinh chi phí tố tụng tốn kém cho nguyên đơn (yêu cầu tại cấp sơ thẩm) và bị đơn (yêu cầu tại cấp phúc thẩm), công sức và thời gian giải quyết vụ án của các chủ thể tiến hành tố tụng và cũng phần nào ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân.
Hoặc vi phạm, thiếu sót của Tòa án cùng cấp trong hoạt động lập biên bản phiên họp định giá tài sản: Không ghi kết quả khảo sát giá, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; ý kiến của các thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp; không ghi kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá về giá của tài sản.
Thứ hai, một số KSV còn chưa xác định được chính xác vi phạm, thiếu sót của Tòa án dẫn tới còn nhầm lẫn trong việc sử dụng quyền yêu cầu. Điển hình như: Tòa án chậm gửi Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Quyết định hoãn phiên tòa cho VKS. Trong trường hợp này, lẽ ra phải sử dụng quyền yêu cầu (có thể bằng lời nói, trường hợp đã nói mà Tòa án không thực hiện thì ban hành văn bản) thì VKS lại sử dụng mẫu “Yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ” và nội dung là: “Sau khi có kết quả xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nêu trên, yêu cầu Tòa án sao gửi tài liệu, chứng cứ thu thập được hoặc thông báo kết quả cho VKS để kiểm sát việc giải giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trường hợp TAND không đồng ý với yêu cầu của VKSND hoặc không xác minh, thu thập được tài liệu chứng cứ theo yêu cầu thì gửi văn bản trả lời cho VKS biết trước thời điểm mở phiên tòa”.
Những hạn chế trên là do các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân khách quan là: Số lượng các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại phát sinh ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác kiểm sát phải được tăng cường, song ở một số đơn vị số lượng công chức, KSV còn mỏng, đa số KSV VKS cấp huyện được phân công thực hiện nhiều khâu công tác dẫn đến thiếu nhân sự cho công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại.
Nguyên nhân chủ quan: Một số lãnh đạo VKS cấp huyện còn chưa quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại nói chung, công tác thực hiện quyền yêu cầu nói riêng. Lực lượng KSV, Kiểm tra viên, chuyên viên có sự trẻ hóa, chưa tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng dẫn đến không phát hiện được hạn chế, thiếu sót của Tòa án để thực hiện quyền yêu cầu mà chủ yếu do lãnh đạo hoặc KSV có kinh nghiệm phát hiện và thực hiện.
Nhằm kiểm sát chặt chẽ việc xác minh thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hành chính, thiết nghĩ trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:
Để đảm bảo nâng cao hiệu quả cả về số lượng và chất lượng văn bản yêu cầu Tòa án cùng cấp xác minh thu thập tài liệu chứng cứ, Kiểm sát viên cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, Kiểm sát viên cần phải thay đổi tư duy, nhận thức
Kiểm sát viên cần có sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu thích công việc được phân công, tìm tòi học hỏi để nâng cao kỹ năng kiểm sát. Căn cứ quy định của pháp luật và quy chế phối hợp (đối với các đơn vị đã ký với Tòa án cùng cấp) chủ động và thường xuyên phối hợp với Thẩm phán trao đổi thống nhất về việc tổ chức hòa giải; về thời gian, nội dung, biện pháp đảm bảo việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Thẩm phán. Đặc biệt quan tâm đến các biện pháp mà Thẩm phán áp dụng gồm: (1) Tham gia thẩm định tại chỗ; (2) Yêu cầu định giá tài sản; (3) Tổ chức hòa giải. Thực hiện quyền yêu cầu Thẩm phán sao chụp chuyển tài liệu chứng cứ đã thu thập được để Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh gía.
Hai là, Kiểm sát viên phải nắm chắc quy định của pháp luật về quyền yêu cầu
Thực hiện trách nhiệm kiểm sát việc Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS và khoản 3 Điều 4 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017) (gọi tắt là Quy chế), nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, tài liệu, chú trọng đối với các vụ án có quan hệ tranh chấp phức tạp như tranh chấp về chia tài sản và tranh chấp nuôi con sau ly hôn, tranh chấp đất đai, thừa kế… Đặt biệt, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cần bám sát Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày ngày 04 tháng 10 năm 2019 của Viện trưởng VKSND tối cao để đề ra bản yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ giúp cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nhằm hạn chế bị hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện Kiểm sát.
Ba là, Kiểm sát viên phải nắm chắc số vụ án, nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ đảm bảo vụ án được giải quyết có căn cứ, đúng quy định.
Kiểm sát viên phải nắm chắc số vụ án Tòa án thụ lý, kiểm sát chặt chẽ thông báo thụ lý, phác họa sơ đồ những nhiệm vụ phải làm. Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, nếu phát hiện tài liệu đã thu thập chưa đầy đủ hoặc chưa đảm bảo theo quy định, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo và thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS và khoản 3 Điều 4 Quy chế: Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và đảm bảo kiểm sát chặt chẽ các tài liệu, chứng cứ mới thu thập được. Các hoạt động mang tính chủ động của Kiểm sát viên là cơ sở cho quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án. Yêu cầu đặt ra là phải xem xét tỷ mỷ, có sự đối chiếu giữa các biên bản thẩm định, biên bản định giá với các quy định, thông tư hướng dẫn có liên quan, cụ thể: điều nào của Thông tư…kịp thời phát hiện những thiếu sót vi phạm, báo cáo lãnh đạo phụ trách đồng thời tham mưu biện pháp khắc phục kịp thời.
Bốn là, Kiểm sát viên không ngừng học tập, hoàn thiện kỹ năng trong đó có kỹ năng xây dựng văn bản yêu cầu.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét thấy Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, cần phải yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ thì kịp thời báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện cho ý kiến. Văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thực hiện theo mẫu do VKSND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày ngày 25/11/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và phải nêu rõ lý do, căn cứ, yêu cầu, sử dụng đúng mẫu.
Bên cạnh những giải pháp cụ thể dành cho Kiểm sát viên nêu trên thì Phòng 9, Viện trưởng VKSND cấp huyện phải tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo sát sao, căn cứ đặc điểm tình hình thực tiễn của đơn vị tiến hành phân công Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ. Viện trưởng cấp huyện trực tiếp phụ trách khâu dân sự, rà soát việc xây dựng quy chế phối hợp với Tòa án trong việc giải quyết vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự (VKSND tỉnh đã phối hợp với Tòa án tỉnh ký Quy chế phối hợp trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, VKSND cấp huyện tham khảo và áp dụng). Chỉ đạo và tham mưu tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với nội dung khơi gợi ý chí tự lực tự cường, yêu thích công tác kiểm sát nói chung công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự nói riêng, khát vọng cống hiến khắc phục tồn tại, hạn chế đưa công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự đạt chất lượng, hiệu quả. Quan tâm công tác đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, đảm bảo chất lượng công tác kiểm sát hoạt động xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án và việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, trước mắt phấn đấu thực hiện quyền yêu cầu (bằng văn bản) đối với những vụ án có tính chất phức tạp như tranh chấp về chia tài sản và tranh chấp nuôi con sau ly hôn, tranh chấp đất đai, thừa kế,..
Như vậy: có thể thấy hoạt động yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung của VKS đối với Tòa án là nhiệm vụ trọng tâm, bắt buộc của KSV. Việc ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong từng vụ án có chất lượng sẽ định hướng cho hoạt động tố tụng của Tòa án cùng cấp, khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm là căn cứ để giải quyết vụ án đảm bảo có căn cứ thuyết phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi ngành, đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, góp phần giữ vững ổn định trật tự tại địa phương. Thực hiện tốt quyền yêu cầu là giải pháp phòng ngừa vi phạm trong hoạt động tố tụng dân sự và là giải pháp tối ưu để hạn chế lượng án sửa, hủy hiện nay./.
Tác giả: Phạm Thu Hà
Phòng 9 - VKSND tỉnh Sơn La