Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Liên kết website
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập17
Tổng số lượt xem 4095587
Một số khó khăn vướng mắc trong việc tiếp tục thi hành án đối với người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Đăng lúc 12-03-2024 08:14:53

Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ nhưng vì một trong những lý do khách quan như bị bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người lao động duy nhất trong gia đình… mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định. Đây là một chế định thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, thể hiện sự khoan hồng, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người.


Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ và thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã được quy định khá chi tiết, cụ thể tại Điều 36, 37 Luật Thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15/5/2013, Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT -TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 của liên ngành Trung ương hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân và quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Tuy nhiên qua công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh Sơn La, VKSND tỉnh Sơn La nhận thấy quy định tại Khoản 5 Điều 37 Luật THAHS còn có những bất cập như sau:

Điều 37. Thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù

“1…

5. Việc tiếp tục thi hành án đối với người được tạm đình chỉ thực hiện như sau:

a) …;

b) Đối với người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành án hoặc người được tạm đình chỉ chấp hành án có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đơn vị được giao quản lý người đó có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa tại bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên hoặc trưng cầu giám định pháp y tâm thần tại tổ chức giám định pháp y tâm thần có thẩm quyền.

Trường hợp kết quả giám định xác định người được tạm đình chỉ chấp hành án đã phục hồi sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện việc đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ.

Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Chi phí giám định do cơ quan trưng cầu giám định chi trả.

...”

Bất cập thứ nhất: Theo quy định trên thì sau khi có kết quả giám định, nếu xác định người được tạm đình chỉ chấp hành án chưa phục hồi sức khỏe thì trình tự, thủ tục giải quyết tiếp theo sẽ như thế nào? Cơ quan nào sẽ tiếp tục lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ? Hồ sơ đề nghị kèm theo cần những tài liệu gì? Đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

Trước đây theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15/5/2013 của liên ngành Trung ương hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân đã quy định rất chi tiết về trường hợp này, cụ thể:

Điều 12. Thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù

“1...

2. Đối với người đang được tạm đình chỉ do bị bệnh nặng mà có bệnh án hoặc kết luận giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu xác định sức khỏe của họ chưa phục hồi, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi họ về cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đơn vị được giao quản lý người đó thông báo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định việc có tiếp tục cho họ được tạm đình chỉ hay không. Các tài liệu gửi kèm theo văn bản của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu gồm: đơn xin tiếp tục được tạm đình chỉ của người được tạm đình chỉ hoặc thân nhân của họ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ; bản sao bệnh án hoặc kết luận giám định y khoa xác định tình trạng sức khỏe của người được tạm đình chỉ chưa phục hồi.”

Nhưng đến nay kể từ ngày Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT -TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 của liên ngành Trung ương quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có hiệu lực từ ngày 01/10/2021 đã bãi bỏ quy định nêu trên.

Bất cập thứ hai:

Qua công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự VKSND tỉnh Sơn La còn nhận thấy quy định tại Khoản 5 Điều 37 Luật THAHS chưa phù hợp với thực tiễn như: “Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi…”, trong trường hợp này nếu TAND cấp huyện ra quyết định thi hành án phạt tù, nhưng TAND cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, như vậy cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện không thể đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án (TAND cấp huyện) quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ của TAND cấp tỉnh và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Bởi lẽ trên thực tế chỉ xảy ra trường hợp TAND cấp trên hủy bỏ quyết định của TAND cấp dưới.

Từ những phân tích trên để có căn cứ thực hiện đúng, đầy đủ và thống nhất các quy định của pháp luật về công tác thi hành án hình sự giữa các cấp, các ngành tư pháp, đề nghị liên ngành Trung ương đề xuất sửa đổi bổ sung Khoản 5 Điều 37 Luật Thi hành án hình sự theo hướng:

Sửa đổi điểm b Khoản 5 Điều 37: “Trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ để ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.”

Bổ sung điểm b Khoản 5 Điều 37: Trường hợp kết quả giám định xác định người được tạm đình chỉ chấp hành án chưa phục hồi sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi họ về cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đơn vị được giao quản lý người đó thông báo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định việc có tiếp tục cho họ được tạm đình chỉ hay không. Các tài liệu gửi kèm theo văn bản của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu gồm: đơn xin tiếp tục được tạm đình chỉ của người được tạm đình chỉ hoặc thân nhân của họ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ; bản sao bệnh án hoặc kết luận giám định y khoa xác định tình trạng sức khỏe của người được tạm đình chỉ chưa phục hồi.”

Tác giả: Tưởng Phi Bảo

 Phòng 8 VKSND tỉnh Sơn La

Các bài mới đăng