Đang truy cập | 11 |
Tổng số lượt xem | 4095580 |
Ngày 20 tháng 7 năm 2023, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, ban hành kèm theo Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20/7/2023 của Viện trưởng Viện KSND tối cao (Sau đây viết tắt là Quy chế 259). Quy chế 259 gồm có: 10 Chương, 65 Điều và 01 Phụ lục, quy định cụ thể nội dung công tác kiểm sát, phương thức thực hiện, các biện pháp xử lý và khắc phục vi phạm, việc quản lý tình hình chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự, quan hệ công tác, chế độ thông tin báo cáo và bảo đảm hoạt động. Sau khi, Quy chế 259 có hiệu lực thi hành, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Sơn La đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Viện KSND hai cấp tổ chức quán triệt, thực hiện ngay những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung, từ đó kịp thời phát hiện, phòng ngừa được rất nhiều vi phạm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thông qua kiểm sát thường kỳ, định kỳ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La và các cuộc trực tiếp kiểm sát, đột xuất trực tiếp kiểm sát và kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại Viện KSND các huyện, thành phố. Viện KSND tỉnh Sơn La nhận thấy, quá trình thực hiện Viện KSND huyện, thành phố thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ một số nội dung được quy định tại Quy chế 259 như:
1. Về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam
Việc kiểm sát hằng ngày tại Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, có thời điểm không đảm bảo; biên bản kiểm sát chỉ phản ánh việc đối chiếu số liệu, không thực hiện kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam và các nội dung khác khi xét thấy cần thiết; biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an huyện không có chữ ký xác nhận của Trưởng Nhà tạm giữ, báo cáo trả lời kiến nghị tại Kết luận trực tiếp kiểm sát không do Trưởng Nhà tạm giữ ký ban hành trả lời, tài liệu này đều chưa đảm bảo quy định tại mục 3 phụ lục trình tự, thực hiện hoạt động trực tiếp kiểm sát ban hành kèm theo Quy chế 259.
2. Về công tác kiểm sát thi hành án hình sự
Một số đơn vị chưa lập các loại sổ sách như: Sổ theo dõi việc ra quyết định thi hành án của Tòa án (Mẫu sổ 23), sổ kiểm sát thi hành hình phạt bổ sung (Mẫu sổ 28), sổ kiểm sát thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện (Mẫu sổ 30); định kỳ hằng tháng chưa chủ động phối hợp với Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp để đối chiếu kết quả xét xử vụ án hình sự, thi hành bản án hình sự và tổ chức thi hành án; khi kiểm sát các quyết định thi hành án phạt tù không kịp thời phát hiện các vi phạm: Ghi sai nội dung nơi người chấp hành án phạt tù đang bị tạm giam, chậm gửi quyết định cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh…; có thời điểm chưa chủ động thực hiện việc xác minh điều kiện hoãn chấp hành án phạt tù, đối với các hồ sơ đang trong thời gian được hoãn chấp hành án, không lưu thông báo việc nhận đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù của Tòa án cùng cấp trong hồ sơ kiểm sát việc hoãn chấp hành án.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hùng - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La
quán triệt, chỉ đạo tại Hội nghị
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Ngày 18 tháng 7 năm 2024, Viện KSND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện một số nội dung cơ bản, của Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế 259. Đồng thời đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế 259, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Viện KSND hai cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Viện KSND hai cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Quy chế, Hướng dẫn của Viện KSND tối cao về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đến Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị để nhận thức đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên và tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; cán bộ, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu nắm vững và thực hiện đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, Quy chế của Ngành trọng tâm là Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20/7/2023 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự…; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chung của ngành Kiểm sát tỉnh Sơn La.
2. Lãnh đạo Viện KSND các huyện, thành phố phải luôn quan tâm phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có; tiếp tục quan tâm, bố trí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm để thực hiện công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; bảo đảm công chức có chức danh pháp lý đáp ứng khối lượng công việc được giao; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên về tư duy, lý luận, kỹ năng kiểm sát; xây dựng đội ngũ công chức "giỏi một việc, biết nhiều việc", từng bước nâng tầm vai trò, vị thế của Viện KSND trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong tình hình mới.
3. Viện KSND hai cấp nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật; đổi mới nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về nghiệp vụ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tăng cường các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ bằng nhiều hình thực khác nhau như: Trả lời thỉnh thị; thông báo rút kinh nghiệm; tập huấn các quy định, hướng dẫn mới các kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định và trong trực tiếp kiểm sát... để Kiểm sát viên kịp thời cập nhật kiến thức, quy định mới của pháp luật, tích nũy kỹ năng, nâng cao ký năng phát hiện vi phạm.
4. Viện KSND hai cấp chủ động mở sổ theo dõi, quản lý đầy đủ việc tiếp nhận bản án của bộ phận kiểm sát xét xử hình sự, theo dõi kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để kiểm sát thi hành án và việc đối chiếu kết quả xét xử vụ án hình sự, thi hành bản án và tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự; phân công Kiểm sát viên lập hồ sơ và kiểm sát việc hoãn chấp hành án phạt tù và việc tổ chức thi hành án tại cộng đồng; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy chế 259 của các cán bộ, Kiểm sát viên tại đơn vị, định kỳ hằng quý phải yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên báo cáo cụ thể nội dung công việc, kết quả công việc được giao và đã thực hiện.
5. Chú trọng tăng cường kiểm sát định kỳ, đột xuất, thực hiện đúng, đầy đủ, vận dung linh hoạt những quy định của Quy chế 259, khi phát hiện vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và quản lý tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự thì phải kiên quyết kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm; yêu cầu xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; tổng hợp các vi phạm phổ biến, kéo dài, chậm khắc phục để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.
6. Đặc biệt, khi tiến hành trực tiếp kiểm sát đột xuất đối với những nội dung như: Người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân trốn, chết, phạm tội mới hoặc những vi phạm kỷ luật có liên quan đến vật cấm, tiền, điện thoại,... cán bộ, kiểm sát viên cần nghiên cứu, xem xét kỹ các loại sổ sách, tài liệu phản ánh công tác quản lý tại buồng giam, nơi lao động, việc bố trí giam giữ, việc giáo dục người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân để đối chiếu với các tài liệu khác làm rõ hành vi vi phạm của Cơ sở quan quản lý giam giữ.
7. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các Cơ quan hữu quan và các khâu công tác kiểm sát; ký các quy chế phối hợp trong việc giao, gửi bản án, quyết định; trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự… góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Bài, ảnh: Tạ Văn Minh
Phòng 8, Viện KSND tỉnh Sơn La