Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Liên kết website
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập13
Tổng số lượt xem 4095552
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực giải quyết các vụ án về ma túy; tăng cường thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Đăng lúc 19-08-2024 17:49:04

Quyền yêu cầu là một trong những hoạt động tố tụng thể hiện việc gắn chức năng công tố với hoạt động điều tra; thể hiện đầy đủ nhất chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát điều tra, góp phần đảm bảo cho việc điều tra đúng quy định của pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.


Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với các vụ án hình sự, việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; Yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân nhằm đảm bảo việc giải quyết của cơ quan điều tra đúng pháp luật, khách quan và triệt để, mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra xử lý kịp thời, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Thực tiễn thấy rằng, hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố, yêu cầu khởi tố của Viện kiểm sát có gắn bó mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Nếu làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm thì sẽ có căn cứ vững chắc để làm tốt kiểm sát việc khởi tố, hay không khởi tố và ngược lại.

Quá trình giải quyết các vụ án hình sự, công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là một trong những hoạt động quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ của VKSND nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra đúng pháp luật, có căn cứ, khách quan và triệt để. Qua đó góp phần khắc phục việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.


Liên ngành VKSND tỉnh - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh họp bàn giải quyết vụ án

Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong đó khoản 2 quy định “Khi cần thiết, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm”. Tại khoản 4 quy định “Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự”.

Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự. Tại điểm a khoản 1 quy định: “Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự”

Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra Viện kiểm sát nhân dân phải đảm bảo Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội”.

Chỉ thị số 01/CT-VKSNDTC ngày 18/12/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2024 cũng đã nêu rõ: “Toàn Ngành thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm”; Chỉ thị số 04/CT ngày 10/7/2015, Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai; nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho bị can bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự” đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Trong những năm gần đây hoạt động tội phạm ma túy tại các tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến rất phức tạp mặc dù đã có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, các đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, đặc biệt là các tuyến biên giới tại các địa bàn trọng điểm như: tuyến biên giới địa phận xã Tân Xuân - huyện Vân Hồ; xã Chiềng Sơn, Lóng Sập - huyện Mộc Châu; xã Chiềng Tương, Phiêng Khoài – huyện Yên Châu; xã Chiềng Khương, Mường Hung, Mường Sai - huyện Sông Mã, xã Mường Lạn, Mường Lèo - huyện Sốp Cộp… Các lực lượng chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan phòng chống ma túy của tỉnh Sơn La thực hiện quyết liệt đấu tranh với tội phạm ma túy, xác lập nhiều chuyên án đấu tranh triệt xóa bắt giữ các đối tượng có vũ trang mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ biên giới Lào vào nội địa. Triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm ma túy, từng bước làm chuyển biến tình hình. Tuy nhiên tình hình vi phạm, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ tính chất mức độ đặc biệt nghiêm trọng chiểm trên 70% số vụ án hình sự khởi tố hằng năm. Trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2024, các lực lượng phòng chống ma túy tại địa phương đã phát hiện 5.401 vụ, Vật chứng thu giữ gồm: 170.926,85 gam Heroine; 222.516,7 gam Methamphetamine; 52.356,69  Ketamine; 28.572,4625 gam nhựa thuốc phiện; 3.117 cây thuốc phiện, 17,5 gam quả Thuốc phiện; 18,11 gam MDMA, 238 xe máy, 05 ô tô; 285 điện thoại di động; 06 khẩu súng, 25 viên đạn; 256.745.000 đồng cùng một số vật chứng khác.


Phòng 1 VKSND tỉnh Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án Bùi Thị Minh cùng đồng phạm
phạm tội Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 251, 249 BLHS

Trước tình hình đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36 - CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 – 2025”, Lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La đã quan tâm, chú trọng đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo VKSND hai cấp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm ma túy, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can; kịp thời yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có căn cứ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm; trong quá trình kiểm sát điều tra khi phát hiện những quyết định của Cơ quan điều tra về khởi tố vụ án, bị can không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật VKSND tỉnh (Phòng 1) đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo viện ban hành các yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ các quyết định này và trường hợp Cơ quan điều tra vẫn bảo lưu quan điểm đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thì Viện kiểm sát đã hủy bỏ các quyết định không có căn cứ của Cơ quan điều tra và được chấp nhận, không để xảy ra oan, sai; tăng cường trách nhiệm, gắn công tố với hoạt động điều tra, nắm chắc tiến độ điều tra thường xuyên trao đổi đánh giá chứng cứ với Điều tra viên theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT, trong đó đặc biệt chú trọng đến thực hiện quyền yêu cầu theo quy định của BLTTHS.

Thông qua thực hiện quyền yêu cầu, Kiểm sát viên thể hiện quan điểm của mình trong việc thu thập chứng cứ. Kiểm sát viên phải lựa chọn những vấn đề cơ bản cần yêu cầu, định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, cho hoạt động điều tra để khởi tố vụ án, khởi tố bị can; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, nhất là trong việc giải quyết những vụ án khó, phức tạp, án trọng điểm, án truy xét để mở rộng điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian qua Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành 01 yêu cầu phục hồi điều tra vụ án hình sự; 11 yêu cầu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; 11 yêu cầu ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; 13 yêu cầu ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can, 01 yêu cầu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, 01 yêu cầu ra quyết định khởi tố bị can, ban hành Quyết định hủy bỏ 01 Quyết định khởi tố bổ sung vụ án và 02 Quyết định khởi tố bổ sung bị can về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; 100% vụ án có bản yêu cầu điều tra. Các yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát đã được Cơ quan điều tra chấp hành và thực hiện khởi tố, điều tra theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Việc thực hiện quyền yêu cầu trên đã thể hiện rõ vai trò, chức năng thực hành quyền công tố trong giải quyết nguồn tin về tội phạm và giải quyết vụ án hình sự của Viện kiểm sát, đảm bảo việc khởi tố, điều tra vụ án được kịp thời, khi Viện kiểm sát phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ khởi tố vụ án nhưng Cơ quan điều tra chưa khởi tố Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can kịp thời điều tra làm rõ hành vi phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Khi Viện kiểm sát phát hiện các quyết định khởi tố vụ án, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, bổ sung quyết định khởi tố bị can không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật thì Viện kiểm sát đã kịp thời thực hiện quyền yêu cầu và trực tiếp theo quy định pháp luật về hủy bỏ các quyết định không có căn cứ trái quy định pháp luật, tránh để xảy ra oan, sai. Để thực hiện quyền yêu cầu này, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết, Lãnh đạo đơn vị phải nắm chắc nội dung vụ việc, vụ án, nắm vững quy định của pháp luật, dấu hiệu định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự, căn cứ khởi tố, không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 143, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định có hay không có sự việc phạm tội xảy ra. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm, Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi với Điều tra viên và báo cáo Lãnh đạo đơn vị và Lãnh đạo Viện trao đổi đánh giá chứng cứ thống nhất việc khởi tố tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan điều tra không khởi tố thì Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện và đề xuất bằng văn bản các căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để Lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố.

Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố, đã kịp thời phát hiện được những sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra, tránh việc kéo dài thời gian điều tra vụ án hoặc vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả của việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, thực hiện các quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự.


VKSND tỉnh Sơn La trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu

Mặt khác thông qua việc thực hiện chức năng này đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát cùng cấp trong hoạt động điều tra và kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Từ đó có thể chỉ ra được những điểm mạnh cần phát huy và cũng như những thiếu sót còn bộc lộ từ cả hai phía (Cơ quan điều tra- Viện kiểm sát), để việc phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng tốt hơn. Thực tế cho thấy ở đơn vị nào thật sự chú trọng đến công tác này thì chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án hình sự được nâng cao, hạn chế đến mức thấp nhất án phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.

Để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong trong giải quyết án ma túy, đồng thời nâng cao chất lượng việc thực hiện quyền yêu cầu của VKS. Lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, chỉ đạo VKSND hai cấp chủ động thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Chủ động trong quan hệ phối hợp với các ngành, vận dụng nhiều biện pháp kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Sơn La.

Hai là, chỉ đạo quán triệt nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực cho Kiểm sát viên về chủ trương thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, để Kiểm sát viên hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó ban hành yêu cầu điều tra; xác định việc ban hành yêu cầu điều tra là nhiệm vụ bắt buộc trong quá trình kiểm sát điều tra các vụ án hình sự bắt đầu từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Ba là, đối với những vụ án phức tạp, Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp kiểm tra tài liệu chứng cứ khi cần thiết, phê duyệt Bản yêu cầu điều tra trước khi Kiểm sát viên ban hành; có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với Kiểm sát viên, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án cùng Kiểm sát viên. Những vụ án đặc biệt phức tạp, khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng, lãnh đạo cần phát huy trí tuệ tập thể để cùng bàn bạc, tháo gỡ.

Bốn là, Lãnh đạo đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với Kiểm sát viên trong quá trình đề ra yêu cầu điều tra để xem xét kịp thời điều chỉnh để đề ra yêu cầu điều tra bổ sung cho phù hợp với quá trình điều tra; thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm trong đơn vị và phải đánh giá vào điểm thi đua của đơn vị, cá nhân Kiểm sát viên và lãnh đạo phụ trách trong công tác thi đua cuối năm, đánh giá cán bộ và việc bổ nhiệm lại.

Cùng với công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, công tác kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra. Làm tốt công tác này góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nêu cao được vị trí vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, đảm bảo sự công bằng của xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La trong thời gian tới./.

Tác giả: Nguyễn Thu Quý - Chánh Văn phòng VKSND tỉnh;

              Ngô Xuân Vĩnh - Trưởng Phòng 1 VKSND tỉnh.

Các nội dung liên quan

Các bài mới đăng